Kinh tế học : Trả lời cho ba câu hỏi của Kinh tế học xét theo : Đầu vào và đầu ra - Nghiên Cứu Kinh Tế Học
Mới nhất
Loading...

8.08.2010

Kinh tế học : Trả lời cho ba câu hỏi của Kinh tế học xét theo : Đầu vào và đầu ra

Kinh tế học : Trả lời cho ba câu hỏi của Kinh tế học xét theo
Đầu vào và đầu ra

Nói cho cùng thì mỗi khẩu súng được sản xuất ra, mỗi chiến hạm được hạ thủy, mỗi quả tên lửa được phóng đều có nghĩa là sự móc túi những người đói khát và thiếu ăn.
Tổng thống Dwight D. Eisenhower

Mỗi nền kinh tế đều có một trữ lượng các nguồn lực có hạn - lao động, kiến thức công nghệ , nhà xưởng và công cụ, máy móc, đất đai, năng lượng. Khi giải quyết vấn đề cần sản xuất những hàng hóa gì và như thế nào, trên thực tế, mỗi nền kinh tế đang quyết định nên phân bổ các nguồn lực của họ như thế nào giữa hàng ngàn các hàng hóa và dịch vụ khác nhau có thể có. Nên giành bao nhiêu diện tích đất đai để trồng lúa mì? Hay để làm nhà cho dân cư? Bao nhiêu xí nghiệp sẽ sản xuất máy tính? Bao nhiêu xí nghiệp sẽ làm bánh pizza? Bao nhiêu trẻ em lớn lên sẽ trở thành nhà thể thao chuyên nghiệp , hoặc trở thành các nhà kinh tế, hay các nhà chế tạo phi cơ, chiến đấu?


Đối mặt với thực tế không thể phủ nhận là hàng hóa đều khan hiếm so với các nhu cầu, mỗi nền kinh tế phải quyết định làm thế nào để đương đầu với các nguồn lực khan hiếm. Nó cần phải lựa chọn trong số các lô hàng hóa khác nhau có thể có (vấn đề cái gì), lựa chọn các kĩ thuật sản xuất khác nhau (vấn đề thế nào), và cuối cùng là quyết định ai sẽ tiêu dùng các hàng hóa (vấn đề cho ai).

Đầu vào và đầu ra

Để trả lời ba câu hỏi trên, mỗi xã hội phải quyết định lựa chọn các đầu vào và đầu ra của nền kinh tế. Đầu vào là các hàng hóa hay dịch vụ được các hãng sử dụng trong quá trình sản xuất của mình. Một nền kinh tế sử dụng các công nghệ sẵn có của mình kết hợp các đầu vào nhằm sản xuất ra các đầu ra. Đầu ra là các hàng hóa và dịch vụ hữu dụng khác nhau, đó là kết quả của quá trình sản xuất, và chúng được tiêu dùng hoặc trực tiếp sử dụng vào quá trình sử dụng tiếp theo.
Ví dụ như trong việc làm món trứng ốplát. Trứng , muối, chất đốt, chảo rán, và tay nghề của đầu bếp là các đầu vào. Đĩa trứng ốplát là sản phẩm đầu ra. Trong giáo dục, đầu vào là thời giờ của giảng viên, phòng thí nghiệm, lớp học, sách giáo khoa.v.v.. và đầu ra của các công dân được giáo dục và có hiểu biết.

Mọi tên gọi khác của các đầu vào là các yếu tố sản xuất. Chúng có thể được phân theo ba nhóm chính: đất đai, lao động và vốn.

Đất đai – hay tổng quát hơn là các tài nguyên thiên nhiên - là tặng vật của tự nhiên cho các quá trình sản xuất của chúng ta. Nó bao gồm các diện tích đất nông nghiệp hay dùng để làm nhà ở, xây nhà máy, làm đường giao thông, là nguồn năng lượng tiếp nhiên liệu cho ôtô và sưởi ấm ngôi nhà cho chúng ta, là các tài nguyên phi năng lượng như quặng đồng, sắt hay cát. Trong thế giới chật hẹp hiện nay, chúng ta cần mở rộng thể loại các tài nguyên thiên nhiên để bao gồm cả tài nguyên môi trường như không khí, nước, đất đai và khí hậu.

Lao động – bao gồm thời gian của con người chi phí cho sản xuất, như làm việc trong các xí nghiệp ôtô , cày bừa trên đồng ruộng, giảng bài trên lớp học, hay làm món trứng ốplát. Lao động đang thực hiện hàng ngàn nghề nghiệp và dịch vụ, với mọi loại kĩ năng khác nhau. Lao động vừa là đầu vào thông thường nhất, vừa là đầu vào quan trọng nhất đối với nền kinh tế công nghiệp tiên tiến.

Các nguồn vốn hình thành nên các hàng hóa lâu bền của nền kinh tế, được chế tạo để sản xuất ra các hàng hóa khác. Các hàng hóa vốn bao gồm máy móc, đường giao thông, máy tính, búa, xe tải, nhà máy thép, máy giặt và văn phòng, nhà xưởng. Như chúng ta sẽ thấy sau này việc tích lũy các hàng hóa vốn đặc biệt là một nhiệm vụ cấp bách trong kinh tế phát triển.

Khi đề cập đến ba vấn đề kinh tế, xét về mặt đầu vào - đầu ra, xã hội cần quyết định: (1) cần sản xuất loại đầu ra gì, và sản xuất bao nhiêu; (2) sản xuất chúng như thế nào - có nghĩa là cần phải sử dụng kĩ thuật gì để kết hợp các đầu vào nhằm sản xuất sản phẩm đầu ra mong muốn; (3) đầu ra được sản xuất và phân phối cho ai.
Theo Paul A. Samuelson, Wiliam D. Nodhalls, Kinh tế học

Share with your friends

Add your opinion
Disqus comments
Notification
Trang web đang trong thời gian xây dựng.
Done