Kinh tế học : Hiểu thuật ngữ "kinh tế" như thế nào?
Trong các hoạt động của con người, hoạt động kinh tế chiếm vị trí quan trọng bậc nhất bởi vì nó trực tiếp quyết định đến đời sống vật chất của con người, bảo đảm cho con người cuộc sống no đủ hay thiếu thốn, tiện nghi hay thiếu tiện nghi, an toàn hay không an toàn, văn minh hay không văn minh... Ngoài ra các hoạt động kinh tế còn kéo theo hàng loạt các hoạt động khác của con người (trong tái sản xuất, trong giao tiếp, trong cuộc sống văn hóa tinh thần, trong bảo vệ độc lập chủ quyền lãnh thổ và an ninh xã hội,v.v.). Cho nên sẽ không ngạc nhiên khi so sánh mức độ phát triển và sức mạnh của một gia, một tổ chức, thậm chí một cá nhân người ta thường lấy tiêu thức trình độ kinh tế đạt được là cao hay thấp, ổn định hay không ổn định là hai trong các tiêu thức quan trọng nhất để so sánh. Do đó, việc tìm hiểu, lý giải đúng khái niệm kinh tế, quản lý kinh tế trở thành một vấn đề mang tính thời sự của mọi thời đại, mọi chế độ xã hội, mọi tổ chức và các cá nhân.Kinh tế là gì?
Kinh tế hàm chứa nhiều nội dung, do đó cũng không có ít cách hiểu khác nhau, như:
+ Kinh tế là tài sản quý hiếm. Ví dụ nói: “ông K kinh tế rất mạnh”, có hàm ý gia đình ông K có nhiều tài sản (nhà cửa, đất đai, kim loại quý, đá quý,..).
+ Kinh tế là phúc lợi. Ví dụ người xưa thường nói kinh tế là kinh bang (trị nước) và tế thế (cứu giúp dân, lo phúc lợi cho dân).
+ Kinh tế là tiết kiệm và hiệu quả. Ví dụ nói: sử dụng công nghệ A sẽ kinh tế hơn (tiết kiệm hơn, hiệu quả hơn) so với dùng công nghệ B.
+ Kinh tế đồng nghĩa với điều kiện sống, việc làm, thất nghiệp, mức độ tự do của con người. Ví dụ nói: đời sống kinh tế của nhân dân ta những năm đổi mới gần đây ngày càng được cải thiện hơn (tức là điều kiện sống cả về mức sống và chất lượng sống được nâng cao, đủ việc làm, ít thất nghiệp, con người được no đủ để phát triển tài năng...)
+ Kinh tế là hoạt động sinh sống. Ví dụ nói: kinh tế trang trại, kinh tế cá thể, kinh tế thị trường, v.v. tức là nói hoạt động sinh sống của con người theo kiểu trang trại, trong hộ gia đình, trong địa phương, khu vực, xã hội có tính thị trường, v.v.).
Từ những cách hiểu kinh tế như trên, có thể đưa ra kết luận sau theo ngôn ngữ học thuật:
Kinh tế là tổng thể (hoặc một bộ phận) các yếu tố sản xuất, các điều kiện vật chất của đời sống con người, các mối quan hệ vật chất giữa con người với con người trong sản xuất và tái sản xuất xã hội.
Theo GS. TS. Đỗ Hoàng Toàn (2002). Quản lý kinh tế. Nhà xuất bản chính trị quốc gia