Kinh tế học : Vì sao cần nghiên cứu Kinh tế Lao động? - Nghiên Cứu Kinh Tế Học
Mới nhất
Loading...

9.15.2010

Kinh tế học : Vì sao cần nghiên cứu Kinh tế Lao động?

Kinh tế học : Vì sao cần nghiên cứu Kinh tế Lao động?
Kinh tế Lao động (Labor Economics) hay tên thường gọi là Kinh tế học nhân lực, đã được giảng dạy ở khoa Kinh tế - Trường ĐH Quốc gia Hà Nội, nay là ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội từ năm 2001.
Môn học đã được giảng dạy liên tục và trở thành một phần quan trọng trong kiến thức kinh tế cơ bản của nhiều ngành đào tạo trong và ngoài trường Đh Kinh tế. Từ sau khi Việt Nam gia nhập WTO, với sự phát triển ngày một hoàn chỉnh của hệ thống thị trường lao động ở Việt Nam, nhiều nội dung mới dần được bổ sung nhằm củng cố và hoàn thiện việc giảng dạy, nghiên cứu môn học này.


Lý thuyết kinh tế thường cung cấp cho chúng ta cơ sở nền tảng của những hành vi kinh tế của cá nhân, tổ chức và xã hội. Những lý thuyết nền tảng này là cơ sở để phân tích những vấn đề kinh tế mang tính phổ biến. Tuy nhiên, ngày nay, các chính phủ, tổ chức xã hội, nhóm dân cư và những người lao động ngày càng quan tâm hơn đến việc hiểu và vận dụng những lý thuyết này để tạo lập những chính sách xã hội.

Nghiên cứu Kinh tế học Lao động (Kinh tế Lao động) sẽ cung cấp một cách tiếp cận toàn diện để phân tích các hành vi, quan hệ giữa các cá nhân, các tổ chức, cơ quan chính phủ tham gia vào hoạt động thuê mướn dịch vụ lao động – gọi là các hành vi giữa chủ và lao động. Một thuật ngữ quen thuộc nhưng gây nhiều tranh cãi là thuật ngữ “thị trường lao động”. Trong thời kì tập trung bao cấp thường có sự phân biệt lao động là hàng hóa, dịch vụ hay sức lao động là hàng hóa, dịch vụ; hoặc về một thị trường dịch vụ lao động mà không phải là thị trường mua bán lao động.

Ngày nay, người chủ và người lao động tham gia vào việc thuê mướn dịch vụ lao động đang tạo nên một thị trường lao động vì một số lý do sau: nhiều định chế đã được xây dựng và phát triển tạo thuận lợi thúc đẩy hình thành các hợp đồng giữa bên bán và bên mua dịch vụ lao động. Các hợp đồng lao động sẽ xác định giá cả, chất lượng và được trao đổi thành các văn bản trên thị trường lao động, nội dung chủ yếu trong các hợp đồng còn liên quan đến môi trường làm việc, an toàn lao động, tính ổn định của công việc,... những quan hệ thuê mướn có tính pháp quy và được quản lý thông qua hợp đồng.

Thuật ngữ “thị trường lao động” ngày càng được sử dụng phổ biến thay cho thuật ngữ thị trường dịch vụ lao động.

Phần lớn tổng sản phẩm quốc dân của các nước tính theo thu nhập không phải dưới hình thức lợi nhuận, lợi tức, địa tô mà dưới hình thức tiền công, tiền lương; vì vậy, có nhiều câu hỏi được đặt ra liên quan đến việc thị trường lao động hoạt động như thế nào trên cơ sở tác động qua lại giữa hành vi của các lực lượng trên. Các câu hỏi thường được đặt ra là: tại sao một số người lựa chọn việc đi làm trong khi những người khác rút khỏi thị trường lao động? Tại sao một số công ty mở rộng việc thuê lao động trong khi một số công ty khác lại sa thải lao động? Thị trường lao động tạo nên sự phân bổ nguồn nhân lực cho các mục tiêu cạnh tranh như thế nào thông qua tiền lương và những điều kiện phi tiền tệ?

Trong điều kiện hầu hết các nước đều thiết lập kiểu tổ chức kinh tế xã hội theo hình thức hỗn hợp giữa thị trường có sự quản lý của nhà nước thì những chính sách lao động hoặc chính sách xã hội ngày càng có vai trò quan trọng trong đời sống. Vì thế, việc nghiên cứu Kinh tế Lao động còn giúp cho các cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế xã hội khác hiểu được phạm vi và ảnh hưởng của những chính sách lao động – xã hội, các chính phủ qua đó lựa chọn và ra quyết định một cách hợp lý nhất.

Hiện nay, trong xu thế hội nhập kinh tế thế giới đòi hỏi các bên tham gia phải hiểu biết về quan hệ lao động giữa các quốc gia, lưu chuyển lao động và di dân giữa các nước, hệ thống luật pháp điều chỉnh hành vi của cá nhân, tổ chức hoạt động trên thị trường lao động. Nghiên cứu Kinh tế Lao động cũng cung cấp nhận định về xu hướng phát triển, công cụ và phương pháp phân tích kinh tế khoa học cho những vấn đề này.

Theo Ts. Tạ Đức Khánh (2009), Giáo trình Kinh tế lao động, Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam, Hà Nội.

Share with your friends

Add your opinion
Disqus comments
Notification
Trang web đang trong thời gian xây dựng.
Done