[ Bài viết được trích từ cuốn The Seven Steps to Success, Gordon Byron, do Nguyễn Hiến Lê dịch. Đây là đoạn mở đầu và khá dài nên không phù hợp với những ai chỉ thích nhảy cóc.]
...
Trong 10, 15 năm gần đây, người ta bàn nhiều về ý muốn thắng, tới nỗi ta tưởng chỉ cần nói: “ Tôi muốn, tôi muốn, tôi MUỐN” là danh vọng, tiền của sẽ trút lên đầu, vào tay ta như trên trời rơi xuống vậy.
Không có chi vô lý bằng. Nhưng có điều này chắc chắn là khi ý muốn được kích thích thì bất kì ai cũng có thể làm được những điều phi thường. Đại chiến thứ nhất có biết bao lần người ta thấy những đội quân kiệt sức, nằm lăn xuống đất, cất mình không nỗi mà nghe báo nguy là đều lanh lẹ, hăng hái đứng phắt dậy như đã được nghỉ ngơi lâu rồi. Tại sao vậy? Há chẳng phải nhờ cái ý muốn sống và chống cự với quân thù cho tới cùng sao?
Nghị lực là một năng lực – nó xô đẩy ta
Nghị lực tôi muốn nói đây không phải là lòng hăng hái nhất thời trong cơn nguy biến, nhưng là cái sức bất biến, nó dẫn dắt ta hằng ngày, trên đường đời và xô đẩy ta tới mục đích.
Nhiều người không tin rằng mình có nghị lực và có thể kiểm soát được nó. Hàng triệu người ở phương đông tin ở định mạng. Chẳng phải chi ở phương đông mà thôi. Mới rồi tôi diễn thuyết về nhân cách trong một lớp học cho người lớn. Khi tôi diễn xong, một người đứng dậy nói: “Những điều ông khuyên để luyện tính khi áp dụng vào trẻ thì được. Chứ người lớn thì vô hiệu”.
Tôi hỏi: Tại sao vậy?
-Tại một khi ta lớn rồi, ta không thể thay đổi tính khí cùng tập quán của ta nữa.
Nếu tôi chắc rằng không sao sửa được một thói xấu của tôi thì chỉ còn có cách nhảy xuống sông cho rồi, đời sống làm chi nữa?
Vị giáo sư lớp ấy nói với tôi rằng hầu hết thanh niên bây giờ có quan niệm ấy. Thực là tai hại. Thà họ đừng biết chút gì về tâm lý còn hơn là biết một cách lờ mờ, sai lầm, nguy hiểm như vậy. Họ không biết rằng ý muốn có hai thể: tĩnh và động. Thể tĩnh hướng dẫn ta trong hành động, còn thể động giúp ta có năng lực và lòng kiên quyết.
Ông Charles M. Schwab nói: “Ta thành công nhờ nghị lực”. Chắc có độc giả tự nhủ: “Đúng lắm! Nhưng tôi cũng có nghị lực mà vẫn nghèo túng đấy!”.
Phải, có lẽ bạn nhiều nghị lực thật, nhưng bạn có dùng nó không? Và dùng nó vào việc gì? Nếu bạn chỉ dùng nó để bắt các em nhỏ im đi cho bạn đọc báo sau bữa cơm chiều (đó là thứ nghị lực tĩnh) thì không bao giờ bạn giàu có được hết. Nhưng nếu bạn dùng nó để học hành thêm, để thúc giục bạn trên một con đường đã vạch sẵn, tới một mục đích đã định sẵn (đó là thứ nghị lực động) thì bạn còn hi vọng đây.
Một doanh nhân đã nói: Ta có thể làm tăng gấp đôi số lợi tức của ta bằng cách giản dị sau này : việc gì phải làm thì làm ngay, việc gì không cần làm thì đừng làm.
Quy tắc đó rất đúng mà ít người theo. Bạn có lập một chương trình làm việc cho mỗi ngày không? Không. Mà nếu có, thì tôi chắc rằng đến tối, coi lại chương trình, bạn thấy còn nhiều việc bỏ dở. Bạn có nhiều lẽ để bào chữa lắm. Nào là ông B, một bạn cũ lâu không gặp, lại thăm, phải bỏ ra một giờ để trò chuyện, nửa giờ để đãi ăn...
Nhưng tôi xin kể cho bạn nghe hai câu chuyện sau:
Một hội trưởng một công ty quảng cáo phải mượn thêm một thầy thư ký để giúp viên chủ sự của ông tên là Jones, vì ông này làm tối tẩm mặt mày mà không xong việc, công việc luôn luôn bê trễ. Hỏi tại sao như vậy thì ông Jones đưa ra những lý lẽ nghe cũng xuôi lắm.
Còn thầy thư kí mới tới làm việc một cách khác, lập một chương trình, theo chương trình ấy, việc nào phải làm thì làm ngay, việc nào không cần thiết thì để đó, lúc khác làm. Vài năm sau, người ta không cần dùng ông Jones nữa và đưa thầy này lên thay.
Viên chủ sự một hãng khác làm việc 18h một ngày mà vẫn không hết việc, lại còn mắc chứng suy nhược thần kinh. Khi hết bệnh, ông nghĩ một cách làm việc khác. Ông xem xét lại mọi việc khác, việc gì phải đích thân làm thì ông làm ngay, còn việc gì có thể giao cho người khác thì kiếm người giao cho. Từ đó ông thành công.
Hai chuyện ấy chứng minh rằng muốn thành công phải có nghị lực làm ngay những việc ta phải làm và đừng phí sức, phí thì giờ làm những việc ta không cần làm. Và khi ta đã vạch con đường đi rồi thì đừng ngoái đầu lại.
...
Một câu hỏi thú vị và không kém phần quan trọng: Chúng ta rèn luyện nghị lực bằng cách nào?
Nghị lực có ý nghĩa như thế nào?