Rèn luyện nghị lực bằng cách nào? - Nghiên Cứu Kinh Tế Học
Mới nhất
Loading...

10.05.2010

Rèn luyện nghị lực bằng cách nào?

Rèn luyện nghị lực bằng cách nào?
(Trích từ cuốn The Seven Steps to Success, Gordon Byron, do Nguyễn Hiến Lê dịch)


Nghị lực cũng như bắp thịt, có thể rèn luyện, phát triển được. Trước hết, ta nhận thấy rằng hễ ta mạnh khỏe thì nghị lực cũng tăng lên. Vậy tập luyện cho thân thể mạnh khỏe tức là đồng thời luyện lòng tự tin và rèn nghị lực.

Chắc bạn đã biết có nhiều phương pháp thần bí để luyện nghị lực. Chẳng hạn như tập trung tư tưởng vào ý nghĩ, một hình ảnh nào đó. Theo phái Yoga ở Ấn Độ, khi tập trung tư tưởng, phải ngồi theo một kiểu nhất định và phải thở đều đều.
Phương pháp đó khó khăn và lâu có kết quả, không dễ dàng như người ta tưởng. Vả lại rất khó kiếm được thầy chân chính vì không dễ gì phân biệt được ngay với gian, vàng với thau.
Dù sao, khoa thần bí cũng dạy ta được điều này là nếu ta cứ đúng thời hạn nào đó, chú ý tới ta, tự xét ta thì chắc chắn có kết quả.

Phương pháp công hiệu nhất để luyện lòng tự tín là bắt đầu làm những việc nhỏ và dễ. Muốn luyện nghị lực, ta cũng nên theo phương pháp ấy, nghĩa là nên bắt đầu muốn làm và làm cho được những việc nhỏ nhặt, dễ dàng.

Nhưng sự kiên tâm còn quan trọng hơn nữa. Phải đều đều ngày nào cũng tập. Những lúc vui, thấy cao hứng mới tập thì lợi ích không mấy. Những lúc không muốn tập mà ráng tập cho được mới lợi ích nhiều. Ba lối tập ở dưới đây được nhiều người theo và thấy kết quả.

Một là, đặt trở lại trong hộp 100 que diêm hoặc 100 miếng giấy. Làm rất từ từ , đều đều và chú ý tới công việc. Phải tập lâu lắm mới được. (hiện Dũng đang tập theo cách này)

Hai là, khoanh tay đứng trên một chiếc ghế trong năm phút. Như vậy, có vẻ như thằng điên, nhất là khi có ai trông thấy. Nhưng nếu bạn ráng giữ đúng điệu bộ ấy, mặc dù có người phá thì bạn chắc chắn đã làm chủ được nghị lực của bạn rồi đó.

Ba là, đếm đi đếm lại lớn tiếng trong năm phút vài chục vật nhỏ.

Những công việc ấy có vẻ vô ích, khó chịu, kì cục, nhưng chính nhờ vậy mà có ích. Nếu vui thì ai chẳng làm được. Công việc có chán mà ráng làm được mới là có nghị lực.
Bạn có thể tìm lấy những công việc khác tương tự như vậy. Nên làm một công việc trong 10 ngày liên tiếp rồi qua công việc khác.

Ông William Mc Dougall khuyên nên lựa chọn những việc gì trái với xung lực tự nhiên, với thói quen thâm cố của ta, như đừng ăn món ta thích nhất nữa, sáng thức dậy, đừng nằm ở giường, nhảy ngay xuống sàn, nhịn hút thuốc trong một thời gian...
Thức dậy nhảy ngay xuống sàn là một cách luyện nghị lực rất công hiệu vì thái độ của ta lúc đó ảnh hưởng đến thái độ của ta suốt ngày. Những người hoạt động đều có theo quen tốt ấy.

Khi một hành động thành thói quen, rất khó nhổ rễ nó. Diệt tận nó cho kỳ được tức là rèn nghị lực. Lúc mới đầu mất nhiều công phu, nhưng rồi dễ lần lần, cho dù việc nhỏ tới đâu đi nữa, cũng phải dùng hết nghị lực làm cho lần đầu có kết quả liền.

Nhưng khi đã thành công được nhiều lần thì việc ta làm sẽ trở nên một tập quán khác. Lúc đó ta phải tự nhủ: ta làm việc này vì muốn như vậy chứ không phải vì thói quen như vậy. Vì khi một hành động đã thành thói quen thì nó lại làm hại nghị lực của ta.

Sau cùng, bạn nên nhớ: tập bỏ thói xấu không bằng luyện được một tập quán tốt. Vậy xin bạn đừng nói: “Tôi không bi quan nhìn đời qua cặp kính đen nữa” , mà nên nói: “Tôi muốn lạc quan, tôi muốn tìm cảnh rực rỡ trong đời và tôi sẽ gặp”. Như vậy, bạn sẽ quên những tư tưởng hắc ám mà dùng dùng hết tâm trí tìm những niềm vui vẻ, những cảnh rực rỡ.

Một ý muốn mạnh mẽ có đặc điểm này là giúp ta có sáng kiến và biết sáng tạo. Mà ai cũng có tài sáng tạo, không nhiều thì ít. Đã đành không phải ai cũng có thể thành những Beethoven, Raphael hay Shakespeare nhưng ít gì ta cũng có chút tài như: tài nói trước công chúng hoặc tài vẽ, sơn, khắc... Vả lại trong những công việc thường như làm vườn, đóng bàn ghế, ta cũng có thể sáng tạo được. Ta nên lựa chọn một hoạt động nào đó hợp với sở thích của ta rồi dùng hết tâm lực để sáng tạo, như vậy ta vừa luyện lòng tự tin, vừa luyện nghị lực nữa.

Tôi khuyên các bạn nên tập diễn thuyết: trong khi soạn diễn văn, ta phải sáng tác, nhờ đó rèn nghị lực và khi thành công, lòng tự tin của ta tăng lên rất nhiều.

Muốn luyện nghị lực, ta lại nên tập tánh quả quyết. Không ít “trí thức” thường do dự vì họ có óc khoáng đạt, khoan hồng, lại biết nhiều phương tiện của một vấn đề, khó lựa chọn được một đường, thành thử nhút nhát, ít hoạt động. Điều đó rất hại.

Có lẽ suy nghĩ quá làm tê liệt sức hoạt động thật. Nhưng có thể điều hòa suy nghĩ và hoạt động được. Như gương tổng thống Franklin D. Roosevelt . Trước khi quyết định, ông điều tra kĩ lưỡng, hỏi ý mọi người, nhưng một khi đã kiếm được giải pháp, ông cương quyết thi hành đúng. Dù ông có lầm lỡ, người ta cũng vẫn trọng ông vì nhận rằng thà như vậy còn hơn là nhu nhược quay cuồng chung quanh điều phải làm mà không dám làm.

Ông Fenton khuyên ta đặt vấn đề cho rõ ràng, suy xét cẩn thận, biện ra một bên những lý lẽ bên vực, rồi biện bên kia những lý lẽ chống lại giải pháp ta chọn. Nếu như vậy mà còn do dự thì nên quên hẳn vấn đề đó trong vài ngày đi. Nhưng một đã quyết định rồi thì đừng đổi ý nữa. Đừng nghĩ ngợi thêm mà hóa do dự, lo lắng và mất thì giờ.

Lời khuyên đó rất xác đáng. Nhưng tôi cũng khuyên bạn thêm điều này nữa. Bạn nên kiếm thật nhiều tài liệu thu thập nhiều ý kiến, nhưng phải quyết định lấy. Đã đành, lời khuyên của những người có kinh nghiệm là đáng quý, nhưng có nghe những người đó thì cũng chỉ nghe vì họ có lý chứ không phải vì họ có uy quyền hơn ta. Nếu không thì dần dần ta thành cái thói ủy mị, không quả quyết, việc gì cũng phải hỏi người.

Phải dự bị trước khi bắt tay vào việc. Việc nhỏ thì sửa soạn ít, việc lớn thì sửa soạn nhiều.
Khi đã dự bị kỹ lưỡng, thì ta chắc chắn làm được và không thấy khó khăn nữa. Sửa soạn như vậy cũng là một cách rèn nghị lực và lòng tự tin.

Ông Norman Fenton khuyên ta nên đặt danh dự vào điều này: Hễ đã muốn làm thì làm cho kỳ được, mà đã không muốn làm thì đừng làm.

Ông Robert S. Woodworth trong cuốn “Tâm lý học” lại khuyên ta:
1. Vạch rõ mục đích và ráng đạt được nó để cho nghị lực của ta dồn cả vào đó, không tản mát ra, mà nhờ vậy được mạnh lên.
2. Theo dõi những tiến bộ của ta. Bạn cũng nên lâu lâu đọ với những người có tài năng để biết năng lực của mình.
3. Dùng nghị lực vào những việc ta thích làm vì lòng ham muốn giúo ta chú ý. Nhưng những công việc đó phải cao thượng. Nên lấy gương một danh nhân nào mà bạn hoàn toàn ngưỡng mộ để ráng noi cho được.
4. Phải nghiêm trang, một chút hài hước thì nên, mà ngụy biện thì đừng.
Bạn nên nhớ rèn luyện nghị lực đều đều, một giờ hoặc nửa gì mỗi ngày. Có thể chép một cách thành thực những tư tưởng, hành động của ta vô nhật kí; hoặc vừa đi chơi một nơi thanh tĩnh, vừa tự xét mình.

Tóm tắt Rèn luyện nghị lực bằng cách nào:

1. Luyện tập và giữ gìn thân thể cho được khỏe mạnh.
2. Bắt đầu làm những việc nhỏ đã.
3. Luyện năng lực sáng tạo.
4. Luyện tính quả quyết. Tập quyết định lấy, đừng hỏi ý người khác nếu không cần.
5. Sửa soạn trước đễ sẵn sàng trong mỗi công việc.
6. Nên đặt danh dự vào điều này: Việc nên làm hoặc phải làm thì làm cho kỳ được.
7. Vạch rõ mục đích rồi ráng đạt tới.
8. Theo dõi những tiến bộ của ta.
9. Ganh đua với những người có tài năng.
10. Bắt đầu luyện nghị lực của ta trong những công việc mà ta thích.
11. Noi gương một danh nhân.
12. Phải nghiêm trang. Một chút hài hước thì nên, mà ngụy biện thì đừng.
13. Mỗi ngày có một gì nhất định để tự xét mình.

Share with your friends

Add your opinion
Disqus comments
Notification
Trang web đang trong thời gian xây dựng.
Done