Đối tượng chung của kinh tế học – bao gồm cả kinh tế vi mô và kinh tế vĩ mô – là những hiện tượng và những hoạt động kinh tế. Nếu kinh tế vi mô nghiên cứu chúng dưới giác độ từng bộ phận, từng chi tiết riêng lẻ, thì kinh tế vĩ mô lại nghiên cứu các hiện tượng, các hoạt động kinh tế ở giác độ tổng thể.
Ví dụ cùng nghiên cứu về giá cả: kinh tế vi mô xem xét giá cả của từng mặt hàng cụ thể như giá thịt, giá trứng, giá ô tô... thì kinh tế vĩ mô lại nghiên cứu chỉ số giá hay mức giá chung của toàn bộ các mặt hàng. Nếu kinh tế vi mô nghiên cứu sản lượng của từng đơn vị kinh tế (công ty, xí nghiệp..) để xác định điểm tối đa hóa, lợi nhuận, điểm hòa vốn,... thì kinh tế vĩ mô lại xem xét giá trị sản lượng của cả một quốc gia, biểu hiện cụ thể qua các chỉ tiêu GDP, GNP,... Trong kinh tế vi mô, chúng ta có thể giải thích tại sao một ca sĩ nỗi tiếng thường có mức thù lao cao hơn nhiều so với một bác sĩ phẫu thuật danh tiếng,... thì trong vĩ mô chúng ta có thể giải thích những biến động trong thu nhập quốc dân của tất cả công dân một nước.
Tóm lại đối tượng của kinh tế vĩ mô là các hiện tượng, các hoạt động kinh tế được nghiên cứu dưới giác độ tổng thể.