Kinh tế học : Đặc điểm của vốn trong sản xuất nông nghiệp
Vốn trong sản xuất nông nghiệp là toàn bộ tiền đầu tư, mua hoặc thuê các yếu tố nguồn lực trong sản xuất nông nghiệp (Theo Kay R. D và Edwards W. H, ĐH Texas và Iowa, Hoa Kỳ).
Đó là số tiền dùng để thuê hoặc mua ruộng đất, đầu tư hệ thống thủy nông, vườn cây lâu năm, máy móc, thiết bị, nông cụ và tiền mua vật tư (phân bón, nông dược, thức ăn gia súc...).
Vốn trong nông nghiệp cũng được phân thành vốn cố định và vốn lưu động.
Vốn cố định: là biểu hiện bằng tiền giá trị đầu tư vào tài sản cố định (TSCĐ: tư liệu lao động có giá trị lớn, sử dụng trong một thời gian dài nhưng vẫn giữ nguyên hình thái ban đầu và giá trị của nó được chuyển dần sang giá trị sản phẩm sản xuất ra theo mức độ hao mòn. Ví dụ: máy móc nông nghiệp, nhà kho, sân phơi, công trình thủy nông, gia súc làm việc, gia súc sinh sản, vườn cây lâu năm...).
Vốn lưu động: là biểu hiện bằng tiền giá trị đầu tư vào tài sản lưu động (TSLĐ: là những tư liệu lao động có giá trị nhỏ, được sử dụng trong một thời gian ngắn, sau một chu kỳ sản xuất nó mất đi hoàn toàn hình thái ban đầu và chuyển toàn bộ vào giá trị sản phẩm sản xuất ra. Ví dụ: phân bón, thuốc trừ sâu – dịch bệnh, thức ăn gia súc, nguyên vật liệu...).
Đặc điểm của vốn sản xuất trong nông nghiệp
Vốn sản xuất nông nghiệp có những đặc điểm cần lưu ý sau:
(1) Do đặc điểm của tính thời vụ trong sản xuất nông nghiệp, nhu cầu của vốn cũng mang tính thời vụ.
(2) Đầu tư vốn trong nông nghiệp chứa đựng nhiều rủi ro vì kết quả sản xuất nông nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào tự nhiên.
(3) Do chu kỳ sản xuất của nông nghiệp dài nên vốn dùng trong nông nghiệp có mức lưu chuyển chậm.
(4) Trong nông nghiệp, một phần vốn do chính doanh nghiệp hoặc nông hộ sản xuất ra (hạt giống, phân bón, con giống) được dùng ngay vào quá trình sản xuất tiếp. Các loại vốn này thường không được trao đổi trên thị trường. Do đó, việc tính toán nó phải dựa theo giá trị cơ hội của các sản phẩm đó.
Nguồn vốn trong sản xuất nông nghiệp
Vốn trong nông nghiệp được hình thành chủ yếu từ các nguồn sau:
(1) Vốn tích lũy từ bản thân khu vực nông nghiệp: là vốn tự do, do nông dân tiết kiệm được và sử dụng đầu tư vào tái sản xuất mở rộng. Mức độ tích lũy vốn thường được đánh giá bởi tỷ lệ tiết kiệm so với thu nhập hoặc tỷ lệ tiết kiệm so với GDP.
(2) Vốn đầu tư của ngân sách: là vốn đầu tư cho nông nghiệp từ nguồn ngân sách của nhà nước. Vốn này được dùng vào khai hoang và xây dựng vùng kinh tế mới, nông trường quốc doanh, trạm, trại kỹ thuật nông nghiệp, thủy lợi, nghiên cứu khoa học, chương trình giải quyết việc làm ở nông thôn.
(3) Vốn từ tín dụng nông thôn: là vốn đầu tư cho nông nghiệp của nông hộ, trang trại và các doanh nghiệp nông nghiệp vay từ hệ thống định chế tài chính tài chính nông thôn thuộc khu vực chính thức và không chính thức.
Định chế thuộc khu vực chính thức là những tổ chức kinh doanh tiền tệ đăng ký hoạt động theo pháp luật của nhà nước, chịu trách nhiệm nộp các khoản thuế quy định cho nhà nước. Ở Việt Nam, hệ thống định chế này bao gồm: Ngân hàng phát triển nông nghiệp và nông thôn, Ngân hàng chính sách, Ngân hàng công thương, HTX tín dụng nông nghiệp và Ngân hàng thương mại tư nhân.
Định chế thuộc khu vực không chính thức là những tổ chức kinh doanh tiền tệ nhưng không đăng ký theo pháp luật của nhà nước hoặc có đăng ký nhưng không đủ chức năng thật sự như một định chế chính thức (không nộp thuế). Hệ thống này bao gồm: người cho vay chuyên nghiệp ở nông thôn, bạn bè – bà con cho vay lẫn nhau (có lãi suất hoặc không có lãi suất), các tổ chức đoàn thể quần chúng làm dịch vụ tài chính như Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội nông dân...
(4) Nguồn vốn nước ngoài: bao gồm 2 nguồn chủ yếu sau:
+ Vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (Foreign Indirect Investment FII) : nguồn vốn của nước ngoài đầu tư vào Việt Nam với hình thức viện trợ và cho vay ưu đãi. Nguồn vốn này được các tổ chức tài chính – tiền tệ thế giới và chính phủ các nước giúp đỡ Việt Nam dưới hình thức vay với thời kỳ dài và lãi suất thấp hoặc bằng 0, nhằm sử dụng đầu tư cho một số chương trình như dự án khôi phục nông nghiệp Việt Nam, bảo vệ rừng, cơ sở hạ tầng nông thôn, chương trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
+ Đầu tư trực tiếp nước ngoài (Foreign Direct Investment FDI)
Theo PGS. TS. Đinh Phi Hổ (2008), Kinh tế học nông nghiệp bền vững, Nhà xuất bản Phương Đông.
Vốn ODA là gì?